BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
------- Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
Số: 137/QĐ-BGTVT Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU BẾN CẢNG BIỂN VŨNG ÁNG, SƠN DƯƠNG THUỘC CẢNG BIỂN SƠN DƯƠNG - VŨNG ÁNG (TỈNH HÀ TĨNH) GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể KTXH và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1742/QĐ-BGTVT ngày 03/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ (nhóm 2) giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 1069/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025; và Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 22/01/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025;
Trên cơ sở tờ trình số 326/TTr-UBND ngày 25/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/2000 cảng Vũng Áng - Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 kèm theo hồ sơ quy hoạch; báo cáo của cơ quan tư vấn kiểm tra, ý kiến của các cơ quan liên quan và báo cáo thẩm định số 40/KHĐT ngày 17/01/2012 của Vụ KHĐT - Bộ GTVT;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi quy hoạch:
- Vị trí: Nằm ở phía Đông KKT Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc và phía Đông giáp biển Đông, phía Tây và phía Nam giáp khu công nghiệp Vũng Áng.
- Phạm vi quy hoạch khu bến cảng Vũng Áng, Sơn Dương có diện tích 3346 ha. Trong đó: Vùng đất 1076 ha (khu Vũng Áng 350 ha, Sơn Dương 726 ha); Vùng nước 2270 ha (khu Vũng Áng 250 ha, khu Sơn Dương 2020 ha).
2. Chức năng và nhiệm vụ:
- Là khu bến cảng chính của cảng biển Sơn Dương - Vũng Áng (cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực - loại I) trong hệ thống cảng biển Việt Nam; là tiền đề, động lực phát triển KKT Vũng Áng và là một trong các đầu mối làm hàng quá cảnh tiếp chuyển cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.
- Gồm các khu chức năng chính:
+ Vũng Áng: Là khu bến tổng hợp cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT, tàu container sức chở 4000 TEU; có bến chuyên dùng nhập than phục vụ trung tâm nhiệt điện cho tàu trọng tải 3 - 10 vạn DWT, bến tiếp nhận sản phẩm lỏng của tổng kho xăng dầu cho tàu trọng tải đến 1,5 vạn DWT.
+ Sơn Dương: Là khu bến chuyên dùng, có bến cho tàu trọng tải đến 30 vạn DWT nhập than, quặng, dầu thô, bến cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT xuất sản phẩm và hàng khác phục vụ trực tiếp cho liên hợp luyện thép, lọc hóa dầu và cơ sở công nghiệp khác xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng; có bến tổng hợp, container để hỗ trợ khu bến Vũng Áng và bến trung chuyển than nhập ngoại dự phòng phát triển phục vụ các trung tâm nhiệt điện trong khu vực.
3. Các chỉ tiêu quy hoạch:
3.1. Chỉ tiêu về lượng hàng qua cảng:
Trên cơ sở tính khả thi của các dự án đăng ký đầu tư vào KKT Vũng Áng, tiến độ cam kết của chủ đầu tư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chức năng nhiệm vụ của cảng; dự kiến lượng hàng qua cảng theo các giai đoạn như sau:
- Năm 2015: 35 ÷ 50 triệu T/năm (Khu Vũng Áng 10 ÷ 14,0 triệu T/năm, khu Sơn Dương 25,0 ÷ 36,0 triệu T/năm);
- Năm 2020: 77 ÷ 110 triệu T/năm (Khu Vũng Áng 18 ÷ 20 triệu T/năm, khu Sơn Dương 59,0 ÷ 90,0 triệu T/năm);
- Năm 2030: 150 ÷ 156 triệu T/năm (Khu Vũng Áng 24 ÷ 26 triệu T/năm, khu Sơn Dương 126 ÷ 130 triệu T/năm).
3.2. Chỉ tiêu về đội tàu:
Tiếp nhận được các loại tàu sau:
- Tàu chở quặng, dầu thô nhập khẩu trọng tải đến 30 vạn DWT.
- Tàu chở than nhập khẩu trọng tải đến 20 vạn DWT.
- Tàu chở sản phẩm dầu, sản phẩm thép xuất khẩu trọng tải đến 5 vạn DWT.
- Tàu chở hàng tổng hợp, container xuất nhập khẩu trọng tải đến 3÷5 vạn DWT.
- Tàu chở hàng tổng hợp, sản phẩm thép, hóa dầu trên tuyến nội địa trọng tải 0,5 ÷ 1 vạn DWT
3.3. Nhu cầu sử dụng đất:
- Tổng diện tích đất sử dụng theo quy hoạch là 1076 ha; trong đó khu Vũng Áng là 350 ha, khu Sơn Dương là 726 ha.
- Nhu cầu sử dụng đất theo các giai đoạn là:
+ Năm 2015: 329.3 ha (khu Vũng Áng 193.4 ha, khu Sơn Dương 135.9 ha);
+ Năm 2020: 508.9 ha (khu Vũng Áng 239.2 ha, khu Sơn Dương 269.7 ha);
+ Năm 2030: 329.3 ha (khu Vũng Áng 312.6 ha, khu Sơn Dương 617 ha).
4. Tổ chức không gian:
4.1. Phân khu chức năng:
a. Khu bến cảng Vũng Áng:
- Bến tổng hợp, container: Là các bến chính tại Vũng Áng, đảm nhận hầu hết hàng tổng hợp container từ nhu cầu thị trường trong nước và hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan. Tiếp nhận được tàu chở hàng tổng hợp 3÷5 vạn DWT, tàu chở container 4000 TEU.
+ Giai đoạn đến 2015: 3 bến, tổng chiều dài 680 m, diện tích đất 15,3 ha.
+ Giai đoạn đến 2020: 4 bến, tổng chiều dài 1010 m, diện tích đất 26,2 ha.
+ Giai đoạn đến 2030: 9 bến, tổng chiều dài 2090 m, diện tích đất 71,6 ha.
+ Giai đoạn hoàn thiện: 11 bến, tổng chiều dài 2790 m, diện tích đất 94.2 ha.
- Bến chuyên dùng nhập than cho nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2: Gồm 2 bến cho tàu 3 vạn DWT và 2 bến cho tàu đến 10 vạn DWT, tổng chiều dài bến 780 m, diện tích khu đất khoảng 30 ha.
- Bến chuyên dùng sản phẩm dầu cho Tổng kho xăng dầu: Gồm 1 bến nhập cho tàu 15000 vạn DWT và bến xuất cho tàu 3000 DWT, tổng chiều dài bến 220 m, diện tích khu đất 31,5 ha (bao gồm tổng kho).
b. Khu bến cảng Sơn Dương:
- Bến chuyên dùng cho liên hợp gang thép Formosa - Hà Tĩnh: Quy mô khu bến trong từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu và tiến trình đầu tư chung của nhà máy.
+ Giai đoạn I (tương ứng với công suất nhà máy đạt 7,5 triệu T/năm dự kiến khoảng năm 2015) gồm 3 bến cho tàu 20 ÷ 30 vạn DWT nhập than quặng, 8 bến tàu 3 ÷ 5 vạn DWT và 3 bến tàu 6000 ÷ 10000 DWT cho sản phẩm thép và hàng khác; tổng chiều dài bến 3470 m; diện tích đất 87,4 ha.
+ Giai đoạn II (tương ứng với công suất nhà máy đạt 15 triệu T/năm dự kiến khoảng năm 2020) gồm 5 bến tàu 20 ÷ 30 vạn DWT nhập than quặng, 15 bến tàu 3 ÷ 5 vạn DWT và 6 bến tàu 6.000 ÷ 10.000 DWT cho sản phẩm thép và hàng khác; tổng chiều dài bến 5270 m; diện tích đất 115,7 ha.
+ Giai đoạn hoàn thiện (dự kiến sau 2020 tương ứng với công suất 20 triệu T/năm) gồm 6 bến cho tàu 20 ÷ 30 vạn DWT; 20 bến cho tàu 3 ÷ 5 vạn DWT và 6 bến tàu 6.000 ÷ 10.000 DWT; Tổng chiều dài bến 6.600 m, diện tích đất 131,5 ha
- Bến chuyên dùng cho liên hợp lọc hóa dầu Formosa: Quy mô phù hợp với yêu cầu và tiến trình đầu tư toàn nhà máy. Giai đoạn hoàn thiện (khoảng năm 2030, tương ứng với công suất 15 tr T/năm dầu thô và 1,2 triệu T/năm sản phẩm hóa dầu) gồm 2 bến nhập dầu thô cho tàu 30 vạn DWT, 11 bến xuất nhập sản phẩm dầu và hóa dầu cho tàu 3 ÷ 5 vạn DWT, tổng chiều dài bến 3770 m; diện tích khu đất cảng 110 ha.
+ Giai đoạn I (khoảng 2020 tương ứng với công suất 7,5 triệu T/năm dầu thô) gồm 1 bến cho tàu 30 vạn DWT, 7 bến cho tàu 3 ÷ 5 vạn DWT xuất sản phẩm dầu; tổng chiều dài bến 1710 m; diện tích khu đất 42,0 ha.
- Bến chuyên dùng nhập than quặng cho Nhà máy thép Thạch Khê:
+ Giai đoạn I (dự kiến 2015 tương ứng với công suất nhà máy 2 triệu T/năm) gồm 1 bến tàu 9 vạn DWT, chiều dài bến 360 m.
+ Giai đoạn hoàn thiện (dự kiến khoảng 2020 tương ứng với công suất nhà máy 4 tr T/năm) gồm 2 bến tàu 9 vạn DWT, chiều dài bến 720 m.
- Bến chuyên dùng cho nhiệt điện Vũng Áng 3:
+ Giai đoạn I (khoảng 2020 tương ứng với công suất nhà máy 1200 MW) gồm 4 bến tàu 5000 DWT chở than tiếp chuyển, chiều dài bến 480 m, diện tích khu đất 30 ha.
+ Giai đoạn II (khoảng 2030 tương ứng với công suất nhà máy 2400 MW) gồm 6 bến tàu 5000 DWT chở than tiếp chuyển, chiều dài bến 720 m, diện tích khu đất 42 ha.
- Khu bến dự phòng phát triển: Được quy hoạch để phát triển về lâu dài bến tổng hợp, container cho tàu 5 - 10 vạn DWT và bến trung chuyển than nhập ngoại cho tàu đến 20 vạn DWT (dự phòng cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện sẽ xây dựng trong vùng).
c. Các khu chức năng khác:
- Khu dịch vụ hậu cảng và đầu mối logistic: 297,9 ha (trong đó Vũng Áng 106,9 ha, Sơn Dương 191 ha). Khu này yêu cầu bao gồm kho, bãi tập kết và bố trí cơ sở triển khai các thủ tục hải quan.
- Khu hành chính và quản lý cảng: 46 ha (trong đó Vũng Áng 18 ha, Sơn Dương 28 ha) bao gồm khu vực cho các cơ quan quản lý Nhà nước tại cảng biển.
- Đường giao thông, bãi đỗ xe, ga đường sắt, cây xanh, v.v … 146,3 ha (trong đó Vũng Áng 73,3 ha, Sơn Dương 73 ha).
- Khu nước, luồng tàu và công trình bảo vệ: 2540 ha (trong đó Vũng Áng 290 ha, Sơn Dương 2250).
(Chi tiết quy mô, chức năng của từng khu bến như văn bản số 326/Ttr-UBND ngày 25/10/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh và hồ sơ kèm theo).
4.2. Quy hoạch tuyến bến:
- Tuyến mép bến của từng khu bến đảm bảo yêu cầu khai thác thuận lợi an toàn cho cầu cảng, phương tiện thiết bị và tàu thuyền trong quá trình vận hành khai thác của toàn bộ cảng.
- Vị trí cụ thể các bến sẽ được xác định bởi cơ quan quản lý chuyên ngành theo từng dự án đầu tư xây dựng bến cảng trong quá trình thực hiện quy hoạch trên cơ sở phân khu chức năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất chung cho toàn khu bến cảng.
5. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
5.1. Quy hoạch mạng đường giao thông nối khu bến cảng và trong khu bến cảng:
a. Đường bộ:
- Các tuyến thuộc mạng quốc gia trên địa bàn KKT Vũng Áng kết nối với cảng (Quốc lộ 1A và tuyến tránh, đường cao tốc phía Đông, đường quốc lộ ven biển, Quốc lộ 12A đoạn Đồng Lê - Kỳ Anh,…) theo Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định: số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009; số 129/QĐ-TTg ngày 18/11/2010; số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010.
- Các tuyến trục chính liên quan tới cảng thuộc KKT Vũng Áng, theo quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 và UBND tỉnh Hà Tĩnh duyệt điều chỉnh (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) tại Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 22/01/2010.
- Các tuyến trục ngang nối khu bến cảng thuộc KKT Vũng Áng:
+ Đường N1: Nâng cấp trên cơ sở đường từ QL1A vào khu bến cảng hiện nay gồm đoạn tuyến 1 dài 4,84km từ tuyến tránh QL1A đến QL ven biển lộ giới 84m và đoạn tuyến 2 dài 6,4km từ QL ven biển đến khu bến cảng Vũng Áng lộ giới 50m (lộ giới bao gồm hành lang an toàn và nền đường sắt).
+ Đường N2: Xây dựng mới dài 8,58km, nối từ tuyến tránh QL1A đến đường ven biển sau khi khu bến chuyên dùng Sơn Dương, lộ giới 60m.
+ Đường N3: Xây dựng mới dài 7,75km, nối từ tuyến tránh QL1A đến đường ven biển sau khu bến chuyên dùng Sơn Dương, lộ giới 64m.
- Đường liên khu vực ven biển (liên cảng): Xây dựng mới dài 16,03km kết nối trực tiếp khu bến Vũng Áng với khu bến Sơn Dương, lộ giới 43,5m.
- Đường gom sau bến và các khu chức năng, lộ giới 27m
- Đường nội bộ trong các khu bến có quy mô phù hợp công năng và công nghệ bốc xếp và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, đảm bảo giao thông thuận lợi thông suốt.
b. Đường sắt:
- Xây dựng mới tuyến đường sắt chuyên dùng nối với trục đường sắt Bắc Nam (Vũng Áng - Tân Ấp) và kéo dài đến cửa khẩu ChaLo đi Lào theo Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đến 2020, định hướng đến 2030 được duyệt tại quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009.
- Dành quỹ đất để từng bước xây dựng ga tiền cảng tại Vũng Áng, Sơn Dương và đoạn tuyến nối đường sắt chuyên dùng nói trên tới cảng.
5.2. Quy hoạch luồng tàu và vũng quay trở tàu:
- Khu Vũng Áng: Luồng và vũng quay trở tàu đối với khu bến chính đảm bảo an toàn cho tàu 5 vạn DWT vận hành. Luồng tàu 2 làn, rộng 340m (đoạn ngoài), 240m (đoạn trong đê ngăn sóng); đường kính quay tàu tối thiểu 340m.
- Khu Sơn Dương: Luồng và vũng quay tàu đảm bảo cho tàu trọng tải 30 vạn DWT vận hành. Luồng 2 làn, chiều rộng tối thiểu 400m, đường kính vũng quay tàu tối thiểu 900m.
5.3. Quy hoạch san nền:
- Cao độ quy hoạch chung đối với đỉnh bến là +4,5m ÷ +5,5m (hệ Hải đồ). Cao độ đường bãi, nhà xưởng trong cảng được xác định trong dự án cụ thể trên cơ sở công năng từng khu bến và tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
- Cao độ san nền đối với các khu chức năng khác (dịch vụ hậu cảng, đầu mối logistic, hành chính quản lý cảng, đường giao thông nối cảng, ga đường sắt, bãi đỗ xe, …) được xác định trên cơ sở cao độ đỉnh bến quy hoạch, điều kiện địa hình thực tế và Quy hoạch xây dựng chung của KKT.
- Tận dụng tối đa vật liệu nạo vét luồng, khu nước cảng để san lấp mặt bằng và lấn biển để tăng quỹ đất xây dựng chung.
5.4. Quy hoạch cấp điện:
- Nguồn điện cấp cho cảng từ hệ thống lưới điện quốc gia khu vực miền Trung thông qua trạm bến áp 110/22 kV xây dựng trong KKT Vũng Áng. Nguồn điện cho các khu bến chuyên dùng của trung tâm điện lực Vũng Áng, liên hợp luyện thép, liên hợp lọc hóa dầu Formosa được cung cấp trực tiếp từ các nhà máy điện riêng của từng tổ hợp công nghiệp (không lấy từ hệ thống lưới điện quốc gia).
Hệ thống hạ thế sử dụng cấp điện áp và đường dây truyền tải đáp ứng nhu cầu vận hành của cảng và tuân thủ theo quy hoạch chuyên ngành điện.
Từng khu bến và khu chức năng khác bố trí các trạm biến áp 22/0,4 kV riêng.
- Tổng công suất tiêu thụ dự kiến cho các giai đoạn quy hoạch:
+ Năm 2015: 34.417,2 kW trong đó từ nguồn điện quốc gia 19.260,5 kW
+ Năm 2020: 44.246,9 kW trong đó từ nguồn điện quốc gia 26.917 kW
+ Năm 2030: 58.100 kW trong đó từ nguồn điện quốc gia 33.750 kW
+ Giai đoạn hoàn thiện: 69.361 kW trong đó từ nguồn điện quốc gia 42.911 kW.
5.5. Quy hoạch cấp nước:
- Nguồn nước sạch được lấy từ nhà máy nước Vũng Áng thuộc KKT Vũng Áng (đã có và tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới); đưa về khu bến cảng bằng đường ống D150mm ÷ D300mm chạy dọc theo trục đường bộ nối đến các khu bến.
- Tổng nhu cầu nước dự kiến theo các giai đoạn:
+ Năm 2015: 6.843,5 m3/ngày đêm (Vũng Áng 2.547,8 m3/ngày đêm, Sơn Dương 4.395,8 m3/ngày đêm).
+ Năm 2020: 8.996,8 m3/ngày đêm (Vũng Áng 3.152,4 m3/ngày đêm, Sơn Dương 5.844,4 m3/ngày đêm).
+ Năm 2030: 11.871,2 m3/ngày đêm (Vũng Áng 4.468,2 m3/ngày đêm, Sơn Dương 7.403 m3/ngày đêm).
+ Giai đoạn hoàn thiện: 15.050 m3/ngày đêm (Vũng Áng 5.190,6 m3/ngày đêm, Sơn Dương 9.864,4 m3/ngày đêm).
5.6. Quy hoạch thoát nước và vệ sinh môi trường:
- Hệ thống thoát nước cho khu bến cảng gồm hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải bố trí độc lập với nhau.
- Từng khu bến, khu chức năng khác sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng và đều được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn quy định trước khi thoát ra biển.
5.7. Dự kiến nhu cầu và nguồn vốn:
- Tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn đến 2030 dự kiến là: 98.070 tỷ VNĐ.
Trong đó:
+ Cơ sở hạ tầng bến cảng: 48.800 tỷ VNĐ.
+ Cơ sở hạ tầng công cộng khu bến cảng biển: 49.270 tỷ VNĐ (gồm cả đê ngăn sóng, luồng vào, vũng quay tàu, …)
Theo các giai đoạn:
+ 2010 ÷ 2015: 26.440 tỷ VNĐ (hạ tầng bến cảng: 10.820 tỷ VNĐ, hạ tầng công cộng cảng biển 15.620 tỷ VNĐ).
+ 2016 ÷ 2020: 36.730 tỷ VNĐ (hạ tầng bến cảng: 21.780 tỷ VNĐ, hạ tầng công cộng cảng biển 14.950 tỷ VNĐ).
+ 2021 ÷ 2030: 34.900 tỷ VNĐ (hạ tầng bến cảng: 16.200 tỷ VNĐ, hạ tầng công cộng cảng biển: 18.700 tỷ VNĐ).
- Nguồn vốn: Sử dụng nguồn vốn tự huy động của Chủ đầu tư, Ban quản lý khu khu kinh tế Vũng Áng, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và hoạt động kinh doanh khai thác cảng tại KKT Vũng Áng, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch:
1. Các Bộ, Ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý KKT Vũng Áng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong quá trình quản lý, thực hiện quy hoạch chi tiết khu bến cảng Vũng Áng, Sơn Dương theo đúng mục tiêu quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan sớm hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của quy hoạch, trình duyệt theo quy định trước khi triển khai các dự án theo quy hoạch; triển khai sớm các dự án hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng (cấp điện, cấp nước, giao thông …) và phối hợp với các cơ quan liên quan công bố, triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch khu bến cảng Vũng Áng, Sơn Dương theo quy định.
3. Quản lý quy hoạch chuyên ngành.
- Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh, bổ sung các khu bến thuộc cảng. Trường hợp có nhu cầu thực tế đòi hỏi điều chỉnh bổ sung quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý KKT Vũng Áng phối hợp với Cục Hàng Hải Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung, điều chỉnh theo thẩm quyền đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm: Rà soát cơ sở pháp lý, điều kiện thực tế để xem xét thỏa thuận cụ thể các bến, khu bến thuộc cảng phù hợp với quy hoạch chung được duyệt, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của toàn khu bến; hướng dẫn đơn vị đầu tư xây dựng, khai thác cảng thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; thực hiện trách nhiệm quản lý chuyên ngành hàng hải tại khu bến cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Hồng Trường
PHỤ LỤC
THÔNG SỐ, QUY HOẠCH CHI TIẾT CẢNG VŨNG ÁNG - SƠN DƯƠNG TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Quyết định số 137/QĐ-BGTVT ngày 17/01/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
(Đăng tải tại tập tin đính kèm)